(KTSG Online) – Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, việc hạn chế lượng phát thải từ việc sản xuất và sử dụng phân bón có thể xem là một hướng đi cần thiết trong hành trình “xanh hóa”.
Trên toàn thế giới, việc sản xuất amoniac truyền thống (amoniac xám) thường tốn nhiều năng lượng. Quá trình này cần sử dụng hydro từ nhiên liệu hóa thạch và thải ra khoảng 2% lượng khí carbon.
Một tấn amoniac có thể thải ra môi trường từ 1,9 đến 2,6 tấn carbon dioxide. Thêm vào đó, việc vận chuyển và phân phối phân bón có thể thải ra ngoài thêm 2-5 tấn.
TalusAg (trụ sở ở Hoa Kỳ) – một công ty công nghệ năng lượng, đã giới thiệu hệ thống amoniac xanh mô-đun, giúp sản xuất phân bón tại địa phương với chi phí thấp, không thải ra carbon và hoạt động bằng nhiên liệu tái tạo.
Các công ty thực phẩm cũng đang thử nghiệm phân bón có hàm lượng carbon thấp được làm từ thực phẩm và các chất thải khác. Tesco, chuỗi bán lẻ thực phẩm lớn nhất Anh, đã thử nghiệm một loạt các loại phân bón có hàm lượng carbon thấp từ tảo, chất thải từ thực phẩm và phân gà. Điều này giúp cắt giảm 50% lượng khí thải carbon.
Nestle và một số nhà cung cấp lúa mì cũng đã thử nghiệm phân bón được sản xuất từ vỏ ca cao còn sót lại từ việc sản xuất sô cô la.
Tại Anh, công ty CCm Technologies đã sản xuất được phân bón bằng quy trình sản xuất có mức năng lượng thấp, giúp giảm 90% lượng khí thải CO2 so với phân bón thông thường.
Nhưng việc loại bỏ carbon ra khỏi quy trình sản xuất phân bón vẫn chưa đủ. N20 (Nitơ Oxit) có tác động gấp 300 lần CO2. Có đến 50% lượng nitơ được dùng làm phân bón cho cây trồng bị lãng phí, gây ô nhiễm không khí và nước.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, luân canh, trồng thêm cây che phủ đất và canh tác không cày xới với ngô ở Hoa Kỳ có thể cắt giảm lượng NO2 tương đương với 4 triệu tấn CO2.
Một phương pháp khác đang được Pivot Bio nghiên cứu là vi khuẩn cố định đạm cho ngô. Loại vi khuẩn này có khả năng cô định nitơ một cách tự nhiên từ khí quyển và cung cấp nitơ dưới dạng amoniac liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng. Bằng cách này, nông dân có thể giảm trung bình 20% lượng phân bón tổng hợp đầu vào.
Theo giáo sư Mark Sutton (Trung tâm Sinh thái và Thủy văn (CEH) của Vương quốc Anh) cho biết, ở Ấn Độ, tất cả các hạt phân bón cây trồng được phủ một lớp dầu hạt neem (sầu đâu), giúp ngăn chặn quá trình lọc nitrat và phát thải oxit nitơ.
Bên cạnh đó, có nghiên cứu cho thấy việc rải sâu phân bón thay vì chỉ rải trên bề mặt khi trồng lúa ở Bangladesh có thể cắt giảm 30-40% nhu cầu phân bón, đồng thời loại bỏ bớt lượng khí thải amoniac.
Nông nghiệp là một lĩnh vực cực kỳ đa dạng với nhiều bên liên quan và các hệ thống canh tác khác nhau. Điều này gây khó khăn cho việc giải quyết ô nhiễm chất dinh dưỡng còn thừa do cây không sử dụng hết. Sutton ước tính rằng, có thể tiết kiệm được từ 150 tỉ đến 300 tỷ USD nếu thế giới đạt được mục tiêu giảm một nửa lượng chất thải nitơ.
Mục tiêu đó ban đầu được ghi trong Tuyên bố Colombo, được 14 quốc gia ký kết vào năm 2019. Nhưng hiện nay, nó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Công ước về Đa dạng sinh học, nhằm giảm một nửa ô nhiễm chất dinh dưỡng, cả nitơ và phốt pho vào năm 2030.