(KSTG Online) – Việc thực hành tốt ESG (Environment: môi trường – Social: xã hội – Governance: quản trị) có thể giúp doanh nghiệp cải thiện tỷ lệ tăng lợi nhuận từ 10-15%.
- Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nếu không đáp ứng tiêu chuẩn ESG
- COP29 thống nhất quy tắc giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
Đây là nội dung được Tiến sĩ Trần Phi Vũ, Chủ tịch chuyên môn của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Úc (NIC AU) thông tin tại hội thảo “Phát triển bền vững và quản trị ESG: thực trạng và các giải pháp thực tế cho doanh nghiệp Việt Nam” do NIC AU dưới sự bảo trợ của Mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia và Đại sứ quán Việt Nam tại Úc tổ chức vào ngày 29-11 ở TPHCM.
Theo ông Vũ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tham gia chuyển đổi xanh và áp dụng các tiêu chuẩn ESG. ESG đã trở thành một yếu tố then chốt trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động và giá trị lâu dài của doanh nghiệp.
Một nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý và chiến lược đa quốc gia McKinsey cho thấy, các công ty thực hành tốt ESG có thể cải thiện tỷ lệ tăng lợi nhuận từ 10-15%. Theo một báo cáo của PwC được công bố vào năm 2023, 79% nhà đầu tư toàn cầu sẵn sàng rút vốn khỏi các doanh nghiệp không có cam kết thực hành ESG.
Phát triển bền vững theo tiêu chí ESG không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp mà còn góp phần tăng vị thế quốc gia. Để làm được điều này, ông Vũ cho rằng các cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý, hệ thống rõ ràng và đồng bộ nhằm thúc đẩy những sáng kiến ESG.
Cùng với đó là nâng cao nhận thức, tăng cường truyền thông hoạt động ESG cho doanh nghiệp; học hỏi những quốc gia đi trước như Malaysia, Úc…; đồng thời phân tích đổi mới sáng tạo, phát triển về các công nghệ xanh phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết tại TPHCM, bộ tiêu chuẩn về ESG được xem là kim chỉ nam cho doanh nghiệp và là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển của TPHCM. Trong tương lai, TPHCM đặt mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, ông Thắng cho biết trong thời gian tới, TPHCM tập trung vào bốn mục tiêu chính.
Thứ nhất, TPHCM sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến ESG nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong triển khai thực tế. Việc này bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào các hoạt động phát triển bền vững.
Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu. ESG không chỉ là một khái niệm mà cần sự tham gia từ chính đội ngũ cán bộ quản lý đến người dân. TPHCM đang triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực ESG; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng tham gia các khóa học, hội thảo để hiểu rõ và áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn ESG vào thực tiễn.
Thứ ba là thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là yếu tố then chốt để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới và nguồn lực tài chính. TPHCM sẽ mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước và các nhà đầu tư nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, và xây dựng đô thị thông minh.
Cuối cùng là tăng cường thu hút đầu tư. Theo đó, TPHCM cam kết tạo lập môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn bằng cách đảm bảo cơ chế chính sách minh bạch, công bằng; hỗ trợ trực tiếp về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, TPHCM cũng kết nối các nhà đầu tư với các dự án xanh và bền vững. Đây là lời kêu gọi không chỉ dành cho các nhà đầu tư mà còn dành cho các chuyên gia, nhà khoa học, và các tổ chức quốc tế cùng chung tay xây dựng một TPHCM phát triển theo định hướng xanh, thông minh và bền vững.