Zalo mini App

Doanh nghiệp châu Âu tìm cơ hội đầu tư ở Bình Phước

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp lớn của châu Âu như De Heus, Big Dutchman, Heineken, Phileo by Lesaffre… sắp đến tỉnh Bình Phước tìm hiểu cơ hội đầu tư.

UBND tỉnh Bình Phước họp báo công bố tổ chức sự kiện Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – Bình Phước năm 2024. Ảnh: T. Hà

Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ với báo chí thông tin trên tại sự kiện công bố tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – Bình Phước năm 2024″ sẽ diễn ra tại thành phố Đồng Xoài.

Cũng theo ông Minh, ngoài hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), sự kiện diễn sắp tới sẽ có cả doanh nghiệp đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham).

Đây là cơ hội để Bình Phước giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của địa phương. Qua đó, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Bình Phước đang mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị…; trong đó địa phương này quan tâm mời gọi các doanh nghiệp khu vực châu Âu đầu tư lĩnh vực nông nghiệp.

Với lợi thế quỹ đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, Bình Phước có chủ trương phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mời gọi các nhà đầu tư. Trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, Bình Phước cũng thu hút đầu tư vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, không chỉ có thế mạnh về công nghệ, các doanh nghiệp châu Âu còn có năng lực về tài chính và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. “Sự hiện diện của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ sẽ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn góp phần phần đóng góp tích cực hơn vào kinh tế-xã hội”, ông nói.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham, cho biết với hơn 1.300 thành viên, EuroCham trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên EuroCham hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến vận tải và hậu cần, để đảm bảo lưu thông hàng hóa và dịch vụ.

Ngoài ra, EuroCham còn có các thành viên trong lĩnh vực phát triển xanh, một lĩnh vực mới nổi giúp đặt ra các tiêu chuẩn mới, nâng cao ý thức về môi trường và nỗ lực phát triển tại Việt Nam. Theo ông Gabor Fluit, EuroCham luôn ủng hộ phong trào chuyển đổi xanh và nhận thức được tầm quan trọng của tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch EuroCham cho biết Diễn đàn sắp tới ở Bình Phước sẽ mở ra cơ hội được ưu tiên tiếp cận các thông tin, bức tranh toàn diện về bối cảnh kinh tế vùng, các dự án phát triển sắp tới và tiềm năng tăng trưởng. Từ đó, các doanh nghiệp EuroCham sẽ có tầm nhìn chiến lược để khám phá những cơ hội đầu tư mới tại Bình Phước.

Ngoài các sự kiện tại Diễn đàn, còn có nhiều hoạt động như khảo sát các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bình Phước; trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của địa phương; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về việc triển khai số hóa các nông sản nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bình Phước giữa UBND tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và EuroCham.

Theo kế hoạch, Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – tỉnh Bình Phước năm 2024, sẽ được tổ chức vào chiều ngày 12-3, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước. Ngoài đơn vị chủ trì là UBND tỉnh Bình Phước, Diễn đàn còn có sự đồng chủ trì của Bộ NN&PTNT, EuroCham, VIDA. Diễn đàn còn được phối hợp thực hiện bởi Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA).

Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế (Campuchia, Lào, Thái Lan).

Bình luận

Tin mới

gettyimages-2183369699
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung
WI573547--min
Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028
W2
Giá nào cho tín chỉ carbon?
alterno1
Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh cho startup chuyển xanh
Ngành giao thông vận tải lên kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ
phân bón
Giảm phát thải ngành phân bón là tất yếu trong tiến trình Net Zero
1630 thumbnail OK (8)
Nông dân có nên ‘háo hức’ với bán tín chỉ carbon?
Trong triển lãm GEFE 2024, gian hàng của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng giảm phát thải carbon. Ảnh: EuroCham cung cấp
Khởi nghiệp xanh – cơ hội nào cho các startup Việt?
Kể từ ngày 1-10 có 80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
Hệ thống pin mặt trời lắp trên mái tại nhà máy. Ảnh minh hoạ: gmedia
Để doanh nghiệp không chùn bước trước áp lực kép