Zalo mini App

Kinh tế tuần hoàn: Con đường ‘gồ ghề’ của doanh nghiệp

Quang Hà

(KTSG) – Với tình trạng biến đổi khí hậu, rác thải gây ô nhiễm và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, doanh nghiệp buộc phải thay đổi, hướng đến kinh tế tuần hoàn. Nhưng sự chuyển đổi nào đến dễ dàng. Dù nằm ở số ít và gặp nhiều rào cản, các doanh nghiệp vẫn tiến về phía trước, không có vẻ gì là bỏ cuộc.

Trong suốt những thập kỷ “vàng son” của nền kinh tế phát triển theo đường thẳng (khai thác tài nguyên thiên nhiên à sản xuất à tiêu dùng à vứt bỏ), doanh nghiệp được hưởng những điều kiện thuận lợi, từ việc sử dụng sức lao động con người cho đến quy trình sản xuất không khắt khe về tiêu chuẩn môi trường và sức khỏe… Có thể nói là được hưởng mọi thứ để miễn sao cho ra thật nhiều hàng rẻ, đẹp mắt, phục vụ cho thị trường là được. Với tình trạng biến đổi khí hậu, rác thải gây ô nhiễm và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, doanh nghiệp buộc phải thay đổi, hướng đến kinh tế tuần hoàn, tức kinh tế dựa trên 3R: Reduce – giảm sử dụng tài nguyên; Reuse – sử dụng lại sản phẩm (sửa chữa, tân trang, dùng lại đồ cũ có độ bền cao); Recycle – tái chế (chất liệu).

Sự chuyển đổi không dễ dàng

Nhưng sự chuyển đổi này không tự nhiên mà đến. Ý thức về tính cần thiết và cấp bách không thôi chưa đủ để doanh nghiệp dấn bước. Nhiều rào cản đã được nêu ra trong các kết quả khảo sát doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là khả năng sáng tạo và chi phí.

Sáng tạo để có giải pháp kỹ thuật cho quy trình sản xuất, còn chi phí là vì sự tốn kém đầu tư ban đầu khó đảm bảo mang lại lợi nhuận trước tình hình kinh tế bất định. Thêm vào những cản trở này còn có thói quen của thị trường. Ai cũng nhìn nhận rằng, doanh nghiệp làm ra được sản phẩm tốt, thân thiện với môi trường mà đòi hỏi người tiêu dùng phải bỏ ra nhiều cố gắng, dù công hay túi tiền, thì cũng khó có thể đứng vững lâu dài.

Tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự kết hợp liên ngành và tham dự của nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt là chính phủ và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, thiện chí và phương tiện tài chính cũng như pháp luật chỉ mới là điều kiện căn bản chứ chưa đủ để đảm bảo sự lan tỏa nhanh chóng.

Theo báo cáo năm 2023 của Tòa Kiểm toán châu Âu (Cour des Comptes Européenne), Cộng đồng chung châu Âu lên kế hoạch hơn 10 tỉ euro giai đoạn 2016-2020 dành cho sáng tạo (innovation) và hỗ trợ cải thiện hạ tầng công nghiệp. Nhưng kết quả không đạt được như kỳ vọng. Nhiều lý do có thể giải thích hiệu quả yếu kém này, như tài trợ mang nặng tính hành chính khiến không sử dụng hết ngân sách; nhiều dự án mang tính cơ hội, kết hợp nghiên cứu giữa đại học và các đối tác để mục tiêu cuối cùng là đăng ký bản quyền chứ không thực sự áp dụng; chỉ số theo dõi chưa nhất quán gây khó khăn trong đánh giá; nhiều dự án bỏ cuộc giữa đường(1)

Đương nhiên là không dễ. Ở cấp doanh nghiệp, có những thay đổi đã được chuẩn bị vì người lãnh đạo công ty nhìn thấy trước thời cuộc, có những thay đổi thụ động, lãnh đạo phải làm vì thời thế bắt buộc. Dù sao, bởi vì đa số doanh nghiệp ở châu Âu phải “nhúc nhích” để thích ứng với đòi hỏi chuyển sang kinh tế tuần hoàn, nên người ta vẫn nhận thấy có phần chuyển biến sinh động.

Năm 2017, 33 trong số 287 công ty lớn(2) của Pháp hứa dấn bước vào kinh tế tuần hoàn. Hai năm sau, 79% số lời hứa được báo cáo là theo đúng tiến độ, và 16% còn đi xa hơn(3). Như Ngân hàng Nông nghiệp tái chế được 16,5 tấn thẻ ngân hàng, vượt khá xa so với lời hứa ban đầu là 10 tấn; Công ty Elis (chuyên cho thuê quần áo chuyên dụng) giảm 29% sử dụng nước thay vì 25% như đã hứa… Những điểm sáng này chỉ là một phần trong chuỗi kinh tế tuần hoàn.

Rác thải gây ô nhiễm và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, doanh nghiệp buộc phải thay đổi, hướng đến kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh hoạ

Kinh tế tuần hoàn châu Âu: chỉ số ít ngành được thuận lợi

Số lượng doanh nghiệp dấn bước trọn vẹn vào sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn vẫn là thiểu số. “Trọn vẹn” ở đây hàm ý quy trình ngay từ giai đoạn thiết kế, phải mang yếu tố sinh thái vào vòng đời sản phẩm (eco-conception), cho đến khâu sản xuất với nguồn nguyên liệu đầu vào (kể cả năng lượng, nước), đến làm ra sản phẩm, bảo quản, vận chuyển, và cuối cùng là tái sử dụng hoặc tái chế để tự cung cấp nguyên liệu cho chính mình hoặc cho một ngành khác.

Châu Âu hiện chưa có thống kê đồng bộ cho phép có bức tranh toàn diện và chi tiết. Chúng ta chỉ có thể nhìn chung rằng những doanh nghiệp thuộc ngành sử dụng công nghệ tầm trung, như dệt may, sản xuất nội thất… dường như thuận lợi hơn trong bước khởi đầu. Lý do có lẽ nằm ở chỗ công nghệ tầm trung không đòi hỏi đầu tư quá mức và những ngành này có thể có mạng lưới đối tác phong phú, tương đối gần nhau về khoảng cách địa lý và văn hóa, nên dễ kết nối hơn trong vòng tuần hoàn.

Trở lại ví dụ ngành dệt may, tại Pháp, xứ sở của thời trang. Hiện phần lớn kinh tế tuần hoàn của ngành này là tái chế để sử dụng lại sợi và dùng lại quần áo cũ, hoặc bằng sửa chữa, hoặc bằng cách tạo thành mốt (mode) mới. Công đoạn “đầu nguồn” của ngành đã bị biến mất vì cạnh tranh từ sợi coton và nhân công rẻ của các nước đang phát triển. Emanuel Lang là một trong những công ty dệt hiếm hoi của Pháp đã “kích hoạt” lại công đoạn này: dệt vải bằng sợi “made in France” từ các loại cây được trồng trên chính đất Pháp, như cây lanh (linen), cây nàng hai (tầm ma). Để gầy dựng lại ngành, Công ty sợi Emanuel Lang phải dựa trên sáng tạo, đầu tư máy kéo sợi mỏng nhất có thể bằng kỹ thuật kéo sợi khô, an toàn hơn cho sức khỏe. Ngoài ra, công ty cũng đã từng bước liên kết với các đối tác cho tất cả các công đoạn như trồng, nhuộm (chưa có nhuộm màu tự nhiên), may (kết hợp với các xưởng ở gần).

Hay ngành sản xuất đồ dùng nội thất, với Mater, một công ty khởi nghiệp được thành lập năm 2006 tại Copenhague, Đan Mạch. Công ty này đặt cược vào đầu tư R&D tái chế. Thách thức của họ là tìm ra quy trình kỹ thuật sao cho chất liệu sau cùng – đến từ nhiều nguồn phế thải khác nhau – phải sạch và đồng dạng. Mục tiêu này đòi hỏi sự kiên trì và chấp nhận rủi ro. Thử nghiệm của họ hơn một nửa là thất bại. Dẫu sao, Mater cũng đã thành công trong một số quy trình sản xuất. Ngày nay, mỗi một đồ dùng công ty làm ra là sự kết hợp từ nhiều chất liệu phế thải khác nhau như gỗ, mạt cưa, nhựa từ lưới cá, nhựa từ đồ dùng điện tử hoặc bao bì, vải, nhôm, bã cà phê. Đến nay, công ty đã tạo ra được hơn 50 mẫu mã, chủ yếu là bàn, ghế, chụp đèn, trong năm 2022 tái chế được 36 tấn phế thải, làm ra được 25.000 sản phẩm.

Đường còn dài

Tuy nhiên, sự chuyển đổi là con đường dài, nhiều chông gai và tốn kém. Trong ngành dệt, Emanuel Lang thú nhận rằng công đoạn kéo sợi chưa có lời, công ty phải ráp chung với công đoạn dệt và hoàn thành sản phẩm vải thì mới duy trì được tài chính. Ngoại trừ cây lanh được trồng ở Pháp, với cây nàng hai – cây hoang dã, dễ trồng và không tốn kém – Emanuel Lang cũng vẫn phải nhập sợi nàng hai từ Népal trong khi chờ đợi. Trong ngành nội thất, Công ty Mater của Đan Mạch hiện vẫn phải sử dụng bao bì bằng nhựa để bảo vệ sản phẩm trong kho và vận chuyển giao hàng.

Ngoài ra, với thời gian và chi phí đầu tư tốn kém, các công ty tiên phong trong kinh tế tuần hoàn đưa ra sản phẩm có giá thành cao. Đầu ra của họ hiện vẫn là cánh cửa hẹp. Một cái ghế bằng chất liệu tái chế của Mater bán với giá 350 euro, đắt hơn ghế bằng gỗ và thiết kế tao nhã của Ikéa gấp 10 lần. Một chiếc áo sơ-mi vải lanh, làm từ sợi của Emanuel Lang có giá hơn 100 euro, cũng gấp 10 lần so với một sơ-mi nhập từ các nước đang phát triển! Giá thành cao, những công ty này nhắm đến phân khúc thị trường cao cấp chứ không thể đại trà. Tiềm năng thị trường không chắc lớn và ổn định trước tình hình kinh tế thế giới đầy biến động.

Nhưng các công ty tại châu Âu có nhiều điểm lợi. Họ được chính sách hỗ trợ, họ có nền tảng công nghệ, có mạng lưới nghiên cứu liên ngành phát triển mạnh, tạo thuận lợi trong hợp tác, và có cả một một nền truyền thông giúp lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm(4). Riêng các doanh nghiệp tiên phong, họ vẫn là số ít, nhưng đặc điểm chung của họ là niềm tin và tâm huyết.

Công ty Emanuel Lang tin rằng “nếu như ngày xưa ngành dệt là cỗ máy của cuộc cách mạng công nghiệp, thì hôm nay sợi từ nguồn hữu cơ có thể là cỗ máy của cuộc cách mạng sinh thái”. Cũng vậy, Công ty Mater tin mạnh mẽ vào tiềm năng sử dụng vật liệu tái chế. Họ vẫn luôn đổi mới và còn có thêm dự án là tái chế sân cỏ nhân tạo làm bằng nhựa mà châu Âu thải ra, ước lượng 600.000 tấn mỗi năm. Như vậy, cho đến nay họ vẫn đi tới và không có vẻ gì là bỏ cuộc.

(1) https://www.eca.europa.eu/ECAPublications/SR-2023-17/SR-2023-17_FR.pdf

(2) Được cho là “lớn” nếu bằng hoặc vượt hai trong ba tiêu tuẩn sau: i. bảng tổng kết cuối năm 20 triệu euro; ii. Doanh thu 40 triệu euro; nhân sự: 250 người

(3) https://www.lesechos.fr/industrie-services/energie-environnement/les-grandes-entreprises-se-mettent-dans-la-boucle-de-leconomie-circulaire-142867

(4) https://www.eesc.europa.eu/sites/default/files/files/qe-04-21-011-en-n.pdf

Bình luận

Tin mới

gettyimages-2183369699
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung
WI573547--min
Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028
W2
Giá nào cho tín chỉ carbon?
alterno1
Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh cho startup chuyển xanh
Ngành giao thông vận tải lên kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ
phân bón
Giảm phát thải ngành phân bón là tất yếu trong tiến trình Net Zero
1630 thumbnail OK (8)
Nông dân có nên ‘háo hức’ với bán tín chỉ carbon?
Trong triển lãm GEFE 2024, gian hàng của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng giảm phát thải carbon. Ảnh: EuroCham cung cấp
Khởi nghiệp xanh – cơ hội nào cho các startup Việt?
Kể từ ngày 1-10 có 80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
Hệ thống pin mặt trời lắp trên mái tại nhà máy. Ảnh minh hoạ: gmedia
Để doanh nghiệp không chùn bước trước áp lực kép