Zalo mini App

Doanh nghiệp có thể mua tín chỉ bù đắp carbon ở đâu?

Lê Linh

(KTSG Online) – Hiện nay, các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ bù đắp carbon trực tiếp từ các nhà phát triển dự án khử carbon từ khí quyển. Ngoài ra, họ cũng có thể mua từ nhiều sàn giao dịch uy tín, nổi bật là AirCarbon Exchange ở Singapore và Carbon Trade Exchange ở Anh.

Hai sàn giao dịch tín chỉ bù đắp carbon nổi bật

Sàn giao dịch AirCarbon Exchange (ACX) được Công ty AirCarbon Pte Ltd thành lập vào năm 2019 để các hãng hàng không và những doanh nghiệp khác mua tín chỉ carbon. Đây là sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện kỹ thuật số toàn diện đầu tiên của thế giới. Hoạt động giao dịch và thanh toán của sàn này diễn ra theo thời gian thực. ACX đã huy động được 70 triệu đô la Mỹ thông qua ba vòng gọi vốn.

Tính đến cuối năm 2023, ACX có khoảng 190 khách hàng tổ chức gồm các doanh nghiệp, nhà giao dịch tài chính, nhà phát triển dự án khử carbon và các bên liên quan khác từ 31 nước. Cho đến nay, sàn này đã xử lý giao dịch khoảng 21 triệu tấn carbon tương đương.

ACX gần đây sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để token hóa các tín chỉ carbon. Một lượng tín chỉ carbon từ một dự án khử carbon có thể được chuyển thành token, với mỗi token đại diện cho mỗi tấn carbon. Token hóa tín chỉ carbon giúp tăng tính minh bạch và thanh khoản cho thị trường VCM. Điều là vì token (hay còn gọi là mã thông báo kỹ thuật số), có thể lưu trữ tất cả thông tin liên quan đến tín chỉ carbon, gồm lịch sử giao dịch, chi tiết về chứng nhận và kiểm toán của bên thứ ba, hoạt động giám sát dự án.

Sàn ACX cũng cung cấp kho lưu trữ kỹ thuật số, giúp nhà đầu tư quản lý tài sản tín chỉ carbon dưới dạng token. AirCarbon Pte Ltd có một quỹ hỗ trợ tài chính cho cho các hoạt động đăng ký, tư vấn, kiểm toán và phát hành tín chỉ carbon ở các dự án khử carbon. Đổi lại, những nhà phát triển dự án nhận được hỗ trợ từ quỹ này phải cam kết niêm yết và giao dịch tín chỉ trên sàn ACX.

Tính đến năm 2022, hơn 62% khách hàng doanh nghiệp của ACX là các công ty ở Singapore và Đông Nam Á. Hơn 55% dự án khử carbon tham gia sàn này đến từ Úc.

ACX được vinh danh là sàn giao dịch carbon tốt nhất trên toàn cầu trong bảng xếp hạng thị trường carbon tự nguyện của  tổ chức Environmental Finance trong ba năm liên tiếp (2021, 2022, 2023).

Sàn AirCarbon Exchange ở Singapore token hóa các tín chỉ carbon, giúp cải thiện thanh khoản và tính minh bạch. Ảnh: Shutterstock

Để tham gia giao dịch trên ACX, các bên liên quan cần đăng ký mở tài khoản và cung cấp các thông tin xác minh theo yêu cầu. ACX cho phép giao dịch nhiều hạng mục tài sản carbon khác nhau theo đơn vị hợp đồng, với một hợp đồng đại diện cho 1.000 tấn carbon tương đương. Trong đó, CET (Corsia Eligible Token) là hợp đồng giao dịch phổ biến nhất. CET là hợp đồng tín chỉ carbon được Chương trình bù đắp và giảm phát thải carbon đối hàng không quốc tế (Corsia) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chứng nhận.

Corsia được thành lập để yêu cầu các hãng hàng không bù đắp bất kỳ sự tăng trưởng nào về lượng khí thải carbon vượt mức của năm 2020 và chỉ áp dụng cho các chuyến bay quốc tế. Việc tham gia Corsia đang ở giai đoạn tự nguyện. Đến năm 2027, ICAO bắt buộc tất cả các hãng bay ở các nước thành viên tham gia chương trình này. Để bù đắp carbon theo chương trình Corsia, các hãng bay có thể mua tín chỉ carbon đạt các tiêu chuẩn do ICAO đặt ra.

Một tài sản carbon khác cũng được giao dịch sôi động trên sàn ACX là GNT (Global Nature Token) Series. Các hợp đồng GNT Series cung cấp giá chuẩn cho các tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án bảo tồn tự nhiên trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục tích sử dụng đất đai khác trong các giai đoạn 2012-2015, 2016-2020, 2021-2025. Tín chỉ carbon từ các dự án tái tạo rừng hay trồng lúa phát thải thấp đều có thể xếp hạng mục GNT Series.

ACX cũng giao dịch một tài sản carbon khác được gọi Renewable Energy Token (RET) kể tháng 2-2021. Hợp đồng RET đại diện cho các tín chỉ carbon từ các dự án năng lượng tái tạo đã được xác minh và phát hành theo tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Ngoài ra, ACX cũng giao dịch tài sản carbon có tên gọi Household Offset Tonne (HOT). Hợp đồng HOT đại diện cho các tín chỉ carbon được tạo ra từ một dự án cải thiện nấu ăn giúp hạn chế khí thải. Chẳng hạn, một dự án bảo vệ rừng kết hợp với sử dụng lò nấu ăn tiết kiệm nhiên liệu củi nhắm đến 800 ngôi làng ở Malawi đang cung cấp tín chỉ carbon cho hợp đồng HOT.

Vào sáng 10-7 vừa qua, giá của token CET và RET giao dịch lần lượt là 0,75 và 0,65 đô la Mỹ. Trong khi đó, giá trung bình của các token GNT Series ở mức khoảng 0,4 đô la mỗi token. Và giá của mỗi token HOT là 4,5 đô la.

Một sàn giao dịch carbon nổi bật khác là Carbon Trade Exchange (CTX) của Công ty Carbon Trade Exchange Ltd (Anh), đơn vị thành viên của Global Environmental Markets (Úc). CTX được xem là sàn giao dịch carbon tự nguyện giao ngay thanh khoản nhất và có chi phí tiết kiệm nhất thế giới.

Sàn yêu cầu đăng ký tư cách thành viên để mua bán tín chỉ carbon tự nguyện. Các thành viên rất đa dạng, gồm các nhà môi giới cá nhân, nhà phát triển dự án khử carbon, các doanh nghiệp lớn. CTX cho phép giao dịch tín chỉ carbon thuộc các tiêu chuẩn khác nhau được xác nhận bởi các tổ chức như Gold Standard Foundation ở Thụy Sĩ, Verra, tổ chức xác minh và cấp tín carbon lớn nhất thế giới, Cơ chế phát triển sạch của Liên hợp quốc (UNFCCC), BioCarbon Registry, tổ chức xác minh và cấp tín chỉ carbon ở Colombia…

Mỗi lô giao dịch tín chỉ tối thiểu trên CTX tương đương 100 tấn carbon. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2017 cho đến nay, CTX đã xử lý giao dịch hàng trăm triệu tín chỉ bù đắp carbon, CTX đang hoạt động ở nhiều thị trường gồm Anh, Úc, châu Âu, châu Á. Sàn này giao dịch tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. CTX còn cung cấp các dịch vụ khác như tính toán lượng khí thải carbon, bù đắp carbon và phát triển dự án khử carbon.

Các dự án rao bán tín chỉ carbon CER trên nền tảng giao dịch carbon của Liên hợp quốc. Ảnh: offset.climateneutralnow.org

Nền tảng giao dịch carbon trực tuyến của Liên hợp quốc

Liên hợp quốc cũng có một sàn giao dịch carbon. Năm 2015, LHQ ra mắt nền giao dịch carbon trực tuyến ở địa chỉ https://offset.climateneutralnow.org.

Nền tảng này cho phép các cá nhân, tổ chức mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải nhà kính hoặc đơn giản là hỗ trợ hành động về khí hậu. Các tín chỉ này có tên gọi Certified Emission Reductions (CER) được tạo ra từ các dự án giảm và loại bỏ khí carbon thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Liên hợp quốc hậu thuẫn. Các CER được Ban điều hành CDM cấp sau quá trình xác minh nghiêm ngặt của Ban Thư ký Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc.

CDM được thiết lập theo Điều 12 của Nghị định thư Kyoto, trong đó cho phép các nước phát triển hỗ trợ các dự án giảm khí thải nhà kính ở các nước đang phát triển. Đổi lại, các nước phát triển có thể tính lượng phát thải cắt giảm này vào mục tiêu khí hậu của họ.

Sau khi được phát hành, các CER được chuyển tài khoản của các cá nhân hoặc tổ chức tham gia phát triển dự án khử carbon ở Cơ sở dữ liệu CDM (CDM Registry) do Ban Thư ký Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc quản lý. Họ có thể bán các CER theo mức giá tự quyết định thông qua sàn giao dịch của Liên hợp quốc. Tính đến tháng 12-2023, có khoảng 11,8 triệu CER đã được bán. Hồi tháng 8-2008, mỗi CER từng có mức giá 20 đô la Mỹ. Đến tháng 12-2012, giá mỗi CER xuống mức thấp kỷ lục, 31 cent.

Hiện tại, giá rao bán mỗi CER trên nền tảng giao dịch của LHQ dao động từ 0,6 đến 15 đô la, tùy vào loại hình dự án. CER được tạo ra từ các dự án thủy điện có giá rẻ nhất, thường chưa đến 1 đô la. Trái lại, các hộ gia đình tham gia dự án lò nấu ăn tiết kiệm nhiên liệu ở huyện Nkhata Bay, Malawi đang rao bán mỗi CER với giá 15 đô la. Có rất nhiều dự án ở các nước châu Á như Campuchia, Philippines, Mông Cổ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đang rao bán CER nhưng không dự án nào từ Việt Nam.

Sàn CTX là đối tác của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), đang hỗ trợ bán CER quy mô lớn cho các doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Trích dẫn dữ liệu từ UNFCCC, Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và cho biết, tính đến ngày 5-12-2022, tổng số dự án tín chỉ carbon theo cơ chế CDM tại Việt Nam là 258 dự án nhưng mới có 15 dự án được đăng ký thành công. Tổng lượng tín chỉ đã phát hành từ các dự án CDM tại Việt Nam là 30.736.808 CER, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng và thu hồi khí đồng hành. Việt Nam chỉ có duy nhất dự án trồng rừng tại Cao Phong (Hòa Bình) được đăng ký thành công theo CDM. Lượng giảm phát thải ước tính của dự án là 2.665 CER mỗi năm trong giai đoạn 2009-2025. Dù đăng ký thành công nhưng chưa có tín chỉ carbon nào được phát hành cho dự án này.

Vào ngày 19-9 tới, tại TPHCM, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn sẽ tổ chức sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”, sự kiện nằm trong chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh do nhóm báo tổ chức.

Tại sự kiện này, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng bàn luận các giải pháp đẩy nhanh tiến trình xanh hóa sản xuất và nền kinh tế. Trong đó, có vấn đề về nguồn vốn để đẩy nhanh tiến trình Net Zero, các xu hướng mới trong phát triển kinh tế xanh, hành trình xây dựng thị trường xanh, chiến lược cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu…

Cùng với đó, một sự kiện khá đặc biệt là chương trình gặp gỡ giữa người mua và người bán tín chỉ carbon sẽ được tổ chức tại đây. Người mua – người bán tín chỉ carbon sẽ trao đổi về cơ hội hợp tác cũng như những vấn đề mà mỗi bên đang đối mặt khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Cùng với đó, các bên sẽ đưa ra ý kiến, đề xuất nhằm góp phần xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam.

Thông tin chi tiết về sự kiện, xin vui lòng liên hệ cô Thu Trà qua số điện thoại 0932 571301 hoặc email: thutra@thesaigontimes.vn.

 

Theo carboncredits, Asia One, Europa.eu, unfccc.int

Bình luận

Tin mới

gettyimages-2183369699
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung
WI573547--min
Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028
W2
Giá nào cho tín chỉ carbon?
alterno1
Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh cho startup chuyển xanh
Ngành giao thông vận tải lên kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 45,62 triệu tấn CO2tđ
phân bón
Giảm phát thải ngành phân bón là tất yếu trong tiến trình Net Zero
1630 thumbnail OK (8)
Nông dân có nên ‘háo hức’ với bán tín chỉ carbon?
Trong triển lãm GEFE 2024, gian hàng của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng giảm phát thải carbon. Ảnh: EuroCham cung cấp
Khởi nghiệp xanh – cơ hội nào cho các startup Việt?
Kể từ ngày 1-10 có 80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
Hệ thống pin mặt trời lắp trên mái tại nhà máy. Ảnh minh hoạ: gmedia
Để doanh nghiệp không chùn bước trước áp lực kép