(KTSG) – Nhiều năm qua, tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu, năng lượng hạt nhân thường bị coi là một vấn đề hơn là một giải pháp. Tuy nhiên, áp lực từ sự nóng lên toàn cầu và nhu cầu điện sạch ngày càng gia tăng đang khiến mọi thứ dần thay đổi.
- Luật Điện lực sửa đổi hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng
- Đến năm 2045, giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ
Năng lượng hạt nhân không còn bị “xa lánh”
Tiến sĩ Sama Bilbao y Leon đã tham dự các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu thường niên của Liên hiệp quốc kể từ năm 1999, khi còn là sinh viên ngành kỹ thuật hạt nhân. Bà cho biết, trong phần lớn thời gian diễn ra các hội nghị, mọi người không mấy hứng thú với việc thảo luận về năng lượng hạt nhân, và thậm chí còn bày tỏ sự phản đối quyết liệt.
Tuy nhiên, ngày nay, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Tại hội nghị về khí hậu COP28 diễn ra hồi năm ngoái ở Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, lần đầu tiên 22 quốc gia đã cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng hạt nhân trên thế giới vào giữa thế kỷ này để giúp hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Và tại hội nghị thượng đỉnh COP29 năm nay ở Azerbaijan, thêm sáu quốc gia khác đã ký cam kết.
Danh sách các quốc gia cam kết xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới nhằm sản xuất điện khá đa dạng, bao gồm từ những quốc gia đã ứng dụng công nghệ này từ lâu như Canada, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ, cho tới những quốc gia hiện không có bất kỳ năng lực hạt nhân nào, như Kenya, Mông Cổ và Nigeria.
Dĩ nhiên, năng lượng hạt nhân vẫn vấp phải rất nhiều sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường vì các đặc điểm như chi phí cao và rủi ro chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chính trị gia tham gia các cuộc đàm phán khí hậu năm nay muốn xem xét lại vấn đề này.
Nhu cầu về nguồn điện ổn định và không phát thải
Sự quan tâm này được thúc đẩy bởi một số yếu tố. Tại Anh và Mỹ, các chính trị gia và doanh nghiệp muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cho biết họ cần một nguồn điện không phát thải carbon ổn định để bổ sung cho năng lượng mặt trời và gió, vốn không phải lúc nào cũng sẵn có. Tại Đông Âu, nhiều quốc gia cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Ở những nơi khác, một số nước phát triển lại coi năng lượng hạt nhân là yếu tố quan trọng để làm sạch ô nhiễm không khí trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nhưng theo ông Abdullah Burgrahan Karaveli, Chủ tịch cơ quan năng lượng và hạt nhân của nước này, như vậy “vẫn là chưa đủ”. Ông cho biết, mức tiêu thụ điện của nước này đang tăng khoảng 4% mỗi năm, và “chúng tôi không thể đáp ứng được nhu cầu đó, nếu không có năng lượng hạt nhân trong kế hoạch dài hạn của mình”.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa có nhà máy điện hạt nhân nào đi vào hoạt động, nhưng một cơ sở đầu tiên đang được xây dựng dọc theo bờ biển phía Nam của nước này.
Mỹ tích cực thúc đẩy năng lượng hạt nhân
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặc biệt tích cực thúc đẩy năng lượng hạt nhân tại các cuộc đàm phán. Hôm thứ Ba tuần trước (12-11), Nhà Trắng đã công bố lộ trình chi tiết về cách thức nước này sẽ tăng gấp 3 lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Dự kiến, 200 gigawatt điện hạt nhân sẽ được bổ sung vào giữa thế kỷ này, thông qua việc xây dựng các lò phản ứng mới, khởi động lại các nhà máy cũ, và nâng cấp các cơ sở hiện có.
Chính phủ Mỹ hiện đang giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển của năng lượng hạt nhân bao gồm tình trạng thiếu lao động lành nghề, nguồn cung nhiên liệu trong nước và cơ sở hạ tầng quản lý. Ông Ali Zaidi, Cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng, cho biết: “Chúng tôi đã loại bỏ rất nhiều trở ngại cản trở việc phát triển nguồn điện không phát thải carbon này”.
Chiến lược này có thể tiếp tục giành được sự ủng hộ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã kêu gọi xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới trong chiến dịch tranh cử như một cách để cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu và nhà máy đang thiếu năng lượng. Việc phục hưng ngành công nghiệp điện hạt nhân trước đó cũng đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm xử lý dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo, cũng đang hướng tới điện hạt nhân như một giải pháp hiệu quả và ổn định. Microsoft hồi tháng 9 đã đạt được thỏa thuận đảm bảo nguồn cung điện từ nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island được khôi phục ở Pennsylvania, trong khi Google, Amazon đều nằm trong số những công ty gần đây đã bày tỏ mối quan tâm mới đối với việc phát triển năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh đó, cũng trong tuần qua, Washington đã bày tỏ ý định cung cấp khoản vay 979 triệu đô la Mỹ cho một dự án ở Ba Lan, nhằm xây dựng ba lò phản ứng hạt nhân mới do Westinghouse – một công ty của Mỹ thiết kế.
Theo Jake Levine, Giám đốc cấp cao về khí hậu và năng lượng tại Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến việc mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân ở Đông Âu để giúp các quốc gia tránh phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ông cho biết năng lượng hạt nhân mang lại “giá trị an ninh năng lượng rõ ràng cho nhiều đối tác và đồng minh của chúng tôi”.
Một đồng minh của Mỹ ở Đông Âu là Rumani, hiện đã nhận được một phần năm lượng điện từ hai lò phản ứng hạt nhân lớn. Hiện quốc gia này đang đàm phán với các quốc gia phương Tây về việc khôi phục hai lò phản ứng khác đã được xây dựng một phần cũng tại địa điểm kể trên nhưng chưa bao giờ hoàn thành.
Cùng lúc đó, một công ty khởi nghiệp của Mỹ là NuScale đang có kế hoạch xây dựng sáu lò phản ứng cỡ nhỏ hơn ở Rumani, với sự hỗ trợ từ khoản vay của Chính phủ Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho một thế hệ mới các lò phản ứng quy mô nhỏ hơn, có thể dễ dàng hơn so với các lò phản ứng truyền thống quy mô lớn, mặc dù công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện.
Những rào cản cần vượt qua
Tuy nhiên, những trở ngại vẫn rất lớn. Trong hai thập kỷ qua, lượng điện được các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu tạo ra nhìn chung không có nhiều thay đổi. Việc xây dựng các lò phản ứng mới tại nhiều quốc gia đã bị cản trở bởi vấn đề chi phí cao. Một số quốc gia như Đức và Nhật Bản thậm chí còn phải đóng cửa bớt các lò phản ứng do sự phản đối của dư luận và lo ngại về an toàn.
Những người chỉ trích năng lượng hạt nhân cho rằng, cam kết về việc tăng gấp 3 lần công suất điện hạt nhân trên toàn cầu là một điều “vô nghĩa”. Họ nghi ngờ về khả năng có thể thực hiện được mục tiêu này một cách tiết kiệm và an toàn.
Ông Shinichi Kihara, một quan chức cấp cao tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết: “Chúng ta cần phải có cái nhìn thực tế để giải quyết các vấn đề. Cần lưu ý rằng, các dự án hạt nhân thường phải đối mặt với sự không chắc chắn về mức chi phí tăng cao trong tương lai”.
Tiến sĩ Bilbao y Leon cũng cho biết tài chính vẫn là một thách thức lớn đối với các dự án hạt nhân. Ví dụ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã không tài trợ cho một dự án hạt nhân nào kể từ năm 1959. Nhưng áp lực đang gia tăng có thể khiến tình hình thay đổi.
“Một vài ý kiến về việc WB nên hỗ trợ hạt nhân sẽ không có nhiều tác động”, bà nói. “Nhưng nếu có hàng chục quốc gia, bao gồm cả các quốc gia mới nổi, nói rằng chúng tôi quan tâm đến nguồn năng lượng này, đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác”.
Mới đây, bên lề hội nghị COP29, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã ký biên bản ghi nhớ về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân để giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính và khu vực tư nhân để mở rộng quy mô năng lượng hạt nhân. Ông cho biết, “Việc hợp tác với các tổ chức tài chính, như EBRD, là điều cần thiết để mở khóa các khoản đầu tư cần thiết cho tương lai ít carbon, đảm bảo rằng những lợi ích độc đáo của năng lượng hạt nhân có thể tiếp cận được, an toàn và bền vững cho tất cả mọi người”.
Nguồn: New York Times, Bloomberg, Reuters, IAEA, The Verge