(KTSG Online) – Những doanh nghiệp nằm trong nhóm phát thải carbon lớn nhất ở châu Âu đang phải trả lãi suất cao hơn trên thị trường trái phiếu. Không những vậy, những nơi không đặt ra các mục tiêu giảm phát thải cũng thường bị tính lãi suất cao hơn khi vay vốn ngân hàng.
- Ngân hàng châu Âu tìm cách hạn chế rủi ro phát thải của cao ốc thương mại
- Đến năm 2045, giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ
Theo báo cáo nghiên cứu công bố hôm 8-8 của Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB), kể từ năm 2020 khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu triển khai các kế hoạch xanh hóa nền kinh tế, mức chênh lệch chi phí vay giữa những doanh nghiệp phát thải cao và doanh nghiệp phát thải thấp trên thị trường trái phiếu đã nới rộng lên hơn 40 điểm cơ bản (0,4 điểm phần trăm).
Những doanh nghiệp gây ô nhiễm nhưng đầu tư công nghệ để cắt giảm khí thải sẽ được hưởng chi phí vay thấp hơn trên thị trường trái phiếu, so với những doanh nghiệp không làm như vậy.
“Nhà đầu tư trái phiếu đang yêu cầu phần bù lãi suất để bù đắp những rủi ro của các công ty phát thải cao. Phần bù rủi ro này sẽ thấp hơn đối với những công ty phát thải nhiều carbon nhưng đang đầu tư nhiều hơn vào đổi mới bền vững”, trích báo cáo của DNB.
Năm 2020, EU thông qua Thỏa thuận Xanh (Green Deal), một chiến lược sâu rộng nhằm đưa mức phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero) vào năm 2050. Thỏa thuận này kêu gọi chuyển đổi mọi ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành phát thải nhiều carbon như thép và xi măng, cũng như bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sống tự nhiên và đại dương .
Theo Ngân hàng Trung ương Hà Lan, Thỏa thuận xanh đã làm tăng phần bù rủi ro đối với cả trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn lẫn dài hạn. Tác động của đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác có thể góp phần dẫn đến sự thay đổi về mức định giá trái phiếu doanh nghiệp ở châu Âu. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy, những doanh nghiệp phát thải thấp hơn có thể vay vốn trên thị trường trái phiếu với chi phí thấp hơn.
Với quy mô 1.600 nghìn tỉ euro, thị trường trái phiếu châu Âu là nguồn tài chính quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Việc phát hành trái phiếu cho phép doanh nghiệp vay tiền từ các nhà đầu tư với mức lãi suất được xác định một phần bởi các rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành.
Hiện nay, bên cạnh các rủi ro tài chính thông thường, nhà đầu tư còn xem xét các rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế trung hòa carbon. Những rủi ro này bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình doanh thu của doanh nghiệp như đổi mới công nghệ, tăng thuế carbon và các quy định quản lý liên quan đến khí hậu.
Trong tuần qua, ECB cũng công bố báo cáo chỉ ra bằng chứng cho thấy, các ngân hàng ở khu vực sử dụng đồng euro (euzozone) bắt đầu định giá rủi ro khí hậu vào chính sách cho vay.
Theo đó, những doanh nghiệp không đặt ra mục tiêu giảm phát thải thường bị tính lãi suất hàng tháng cao hơn trung bình 20 điểm cơ bản so với lãi suất áp dụng cho những công ty có cam kết bảo vệ khí hậu. Ngoài ra, nhóm 25% doanh nghiệp phát thải nhiều carbon nhất trả mức lãi vay cao hơn 14 điểm cơ bản so với mức lãi áp dụng cho nhóm 25% doanh nghiệp phát thải carbon ít nhất.
Cũng theo báo cáo, các ngân hàng áp dụng các mục tiêu khí hậu được chứng nhận của tổ chức Sáng kiến Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi) cung cấp vốn vay rẻ hơn cho doanh nghiệp phát thải thấp. Ngược lãi, họ tính lãi vay cao hơn đối với doanh nghiệp phát thải cao.
Theo nhà nghiên cứu của ECB, dữ liệu cũng cho thấy, các ngân hàng dường như phân biệt lãi suất cho vay dựa trên lượng khí thải carbon tiềm năng của khách hàng, chứ không chỉ lượng khí thải hiện tại.
Các kết luận trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu “độc quyền và bí mật” của ECB về các khoản vay trên 25.000 euro ở tất cả các nước thành viên eurozone và dữ liệu của Refinitiv về lượng khí thải hiện tại của doanh nghiệp cũng như mục tiêu giảm khí thải của họ trong tương lai.
Theo Bloomberg, dnb.nl, responsible-investor.com