Zalo mini App

Doanh nghiệp trước ‘kỳ thi’ kiểm kê khí nhà kính

(KTSG) – Kiểm kê khí nhà kính dần trở thành việc phải làm đối với các doanh nghiệp để tuân thủ quy định và chuẩn bị cho một chiến lược tăng trưởng dài hạn. Tuy vậy, việc tính toán lượng khí thải carbon đầy đủ, để cung cấp những hiểu biết sâu (giúp doanh nghiệp có thể tiến hành các bước khử tiếp theo), vẫn là thách thức.

Năng lượng là một trong những lĩnh vực buộc phải kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: Trung Chánh

Xu thế không thể đảo ngược

Kiểm kê khí nhà kính (GHG) hay kiểm kê carbon là quá trình đo lường và báo cáo dữ liệu về lượng phát thải, loại bỏ trực tiếp và gián tiếp các loại khí như carbon điôxit (CO2) và methan (CH4) gây ra biến đổi khí hậu, sử dụng lượng CO2 tương đương (CO2e) làm đơn vị đo lường. Việc tính toán lượng carbon giúp các tổ chức hiểu được tác động của khí hậu và đặt ra các mục tiêu giảm phát thải.

Với sự tập trung ngày càng tăng vào các tác động kinh tế và xã hội của biến đổi khí hậu, yêu cầu pháp lý ngày càng tăng, việc tính toán lượng khí thải carbon và khử carbon sẽ ngày càng chặt chẽ và không thể đảo ngược. Tới tháng 3-2024, chính phủ của các quốc gia đóng góp tới 92% GDP toàn cầu đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã ban hành nhiều luật lệ yêu cầu công bố dữ liệu về lượng khí thải carbon. Chỉ thị về Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp yêu cầu các công ty có trụ sở tại EU bắt đầu công bố dấu chân khí nhà kính, với các công ty lớn tuân thủ vào năm 2024 và các công ty nhỏ và vừa tuân thủ vào năm 2026. Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) buộc các sản phẩm phát thải nhiều carbon nhập khẩu vào thị trường EU phải chịu thuế carbon bắt đầu từ năm 2026 dựa trên lượng khí thải nhà kính được tạo ra trong quá trình sản xuất của họ.

Tại Mỹ, đạo luật Trách nhiệm giải trình dữ liệu doanh nghiệp về khí hậu của bang California yêu cầu bất kỳ công ty nào của Mỹ có doanh thu trên 1 tỉ đô la Mỹ, dù là niêm yết hay không, và “đang kinh doanh ở California” phải bắt đầu báo cáo về phát thải trên toàn chuỗi cung ứng vào năm 2026. Với định nghĩa của luật này về “kinh doanh ở California” có tiêu chí khá đơn giản, một số nguồn ước tính rằng hơn 5.000 công ty sẽ cần phải tuân thủ đạo luật này, và gây ra hiệu ứng domino với các công ty con và nhà cung cấp của họ trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Nghị định 06/2022/ND-CP và Quyết định 01/2022/QD-TTg yêu cầu các đơn vị hoạt động trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều (năng lượng, giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và chất thải) có lượng phát thải khí nhà kính hàng năm vượt quá 3.000 tấn CO2e phải nộp báo cáo kiểm kê hai năm một lần từ năm 2024 trở đi. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2026, các đơn vị này phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Chiến lược bắt buộc cho tăng trưởng

Mặc dù nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính toán lượng carbon chỉ để tuân thủ các quy định quốc tế hoặc trong nước, nhưng một số doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng gia tăng lợi thế cạnh tranh từ các hành động về khí hậu và chủ động kết hợp việc tính toán lượng carbon vào công việc quản lý hàng ngày của họ. Những lợi ích này bao gồm từ tiết kiệm chi phí, gia nhập những thị trường mới và nâng cao giá trị sản phẩm, cắt giảm chi phí vốn. Tất cả những lợi ích đó có những tác động tích cực tới giá trị doanh nghiệp.

Đầu tiên, việc tính toán lượng carbon cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị về lượng khí thải của tổ chức và đẩy nhanh việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, dẫn đến tiết kiệm chi phí và có lợi cho môi trường.

Thứ hai, việc thực hiện kiểm toán lượng carbon và tiến hành giảm phát thải trong chuỗi cung ứng của mình giúp các doanh nghiệp tạo sự khác biệt, chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu thị trường và tiếp cận các thị trường có giá trị cao do nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng có ý thức về môi trường. Trong ngành thời trang, khoảng 30% khách hàng gen Z ở Mỹ cho biết họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong nhiều kết quả nghiên cứu được thực hiện ở châu Âu đối với khá nhiều danh mục thời trang khác nhau, giá của các sản phẩm phát thải thấp có thể cao hơn tới 15% so với các sản phẩm thông thường mà sức mua không hề giảm. Lợi thế hình ảnh của việc tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã khiến các thương hiệu trong các ngành khác nhau liên tục nâng cao các cam kết về khí hậu cũng như đầu tư tìm nguồn cung ứng phát thải thấp hoặc đổi mới sản phẩm để thu được nhiều lợi ích trong các phân khúc cao cấp hơn.

Cuối cùng, bằng cách chủ động giải quyết các vấn đề môi trường, các công ty có thể giảm chi phí vốn và được định giá doanh nghiệp cao hơn thông qua việc thu hút các nhóm nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư có trách nhiệm với xã hội. Trên thị trường nợ quốc tế, trong vòng chưa đầy 10 năm kể từ khi trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành ở châu Âu vào năm 2013, khối lượng trái phiếu xanh được phát hành đã tăng vọt lên mức kỷ lục 600 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023. Số tiền này hỗ trợ cho các dự án từ văn phòng tiết kiệm năng lượng đến các sáng kiến năng lượng tái tạo. Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang ngày càng khó tính hơn trong việc hỗ trợ các công ty có thành tích kém về ứng phó biến đổi khí hậu và yêu cầu các CEO phải chịu trách nhiệm. “Tính bền vững của môi trường” đã tăng vọt hơn 300% so với một năm trước trong trong cuộc khảo sát năm 2022 của Gartner về “Các ưu tiên của CEO” trên toàn thế giới và hiện nằm trong tốp 10 các ưu tiên lớn nhất của các CEO toàn cầu. Những dòng vốn hướng tới tăng trưởng xanh và giảm thiểu tác động khí hậu sẽ mang lại lợi ích cho các công ty có thành tích giảm phát thải rõ ràng với chi phí vốn thấp hơn. Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp không có tác động tốt sẽ phải chịu chi phí vốn cao hơn.

Hạch toán phát thải khí nhà kính không dễ dàng

Bất chấp những lợi ích đã được hứa hẹn đó, việc tính toán lượng carbon vẫn đặt ra một loạt thách thức liên quan đến chi phí thực hiện và áp dụng nó. Trên thực tế, chỉ 10% tổ chức đo lường chính xác tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG), theo một thống kê của BCG công bố tháng 10-2021.

Từ quan điểm kỹ thuật, các phương pháp báo cáo và tính toán lượng carbon vẫn có những khập khiễng nhất định, do sự phân loại không nhất quán từ các phương pháp thu thập dữ liệu thủ công mâu thuẫn nhau, đặc biệt là đối với lượng phát thải dọc theo chuỗi giá trị. Ví dụ, chất lượng dữ liệu đối với việc kiểm kê phát thải trong quá trình sử dụng sản phẩm ở phía hạ nguồn đã bị chỉ trích bởi các nhà nghiên cứu. Nhiều hoạt động gây phát thải bị bỏ sót khi kiểm kê, ranh giới báo cáo không đầy đủ hoặc áp dụng các giả định không nhất quán là những vấn đề hứng chịu chỉ trích lớn. Đảm bảo dữ liệu chính xác khi kiểm kê bằng phương pháp thủ công là vô cùng khó khăn khi dữ liệu phải được tổng hợp từ nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Cùng với đó là nút thắt cổ chai được tạo ra do sự thiếu hụt các chuyên gia kiểm kê có trình độ, dẫn đến các phương pháp đôi khi không nhất quán và thường là chi phí cao hơn. Dịch vụ tính toán lượng carbon của các tổ chức quốc tế có thể dễ dàng tiêu tốn hơn hàng chục ngàn đô la Mỹ đối với một công ty cỡ trung bình (có doanh thu vài ngàn tỉ đồng), mà những báo cáo này vẫn không cung cấp những hiểu biết đủ sâu để doanh nghiệp có thể tiến hành các bước khử carbon tiếp theo. Ngoài ra, các dịch vụ như vậy không được xây dựng theo hướng linh hoạt: nếu bạn cần sửa lại kết quả tính toán lượng carbon của mình cho mục đích khác, ví dụ để xuất khẩu sang một quốc gia khác, bạn có thể cần phải mua thêm gói dịch vụ mới chỉ vì các tiêu chuẩn khác nhau hoặc đôi khi chỉ vì hệ số phát thải khác nhau được chấp nhận.

Chuyển đổi số là một yếu tố tiên quyết để có thể vượt qua những trở ngại đó. Phần mềm quản lý phát thải carbon giúp giảm tải công việc thu thập, tính toán, báo cáo và phân tích dữ liệu, cho phép các tổ chức quản lý lượng khí thải carbon một cách hiệu quả, đảm bảo về mặt kỹ thuật, xác định cơ sở giảm thiểu và giảm chi phí tối đa. Giống như AI tạo sinh đã loại bỏ nút thắt cổ chai tại các chuyên gia photoshop trong công việc tạo ra hình ảnh, các phần mềm quản lý carbon như Nuoa.io loại bỏ nút thắt cổ chai về sự thiếu hụt của các chuyên gia kiểm kê carbon.

Một công cụ quản lý carbon tốt cần kết hợp kiến thức chuyên môn sâu về công nghệ thông tin và kiến thức chuyên môn về kinh tế môi trường và khoa học môi trường. Ngoài ra, do các tiêu chuẩn và khung lý thuyết toàn cầu vẫn đang nâng cấp, phát triển, các công ty nên tìm kiếm các nhà cung cấp có đủ nguồn lực và năng lực nghiên cứu để liên tục cập nhật những phát triển mới nhất.

Cuối cùng, các công cụ này sẽ hỗ trợ tích cực cho các nhân viên phụ trách phát triển bền vững trong việc tiến hành giảm thiểu phát thải carbon tại doanh nghiệp. Các công cụ này có thể cung cấp thông tin chi tiết về lập kế hoạch, về các phương pháp giảm thải carbon tiềm năng, một bước bắt buộc phải có sau khi kiểm kê. Các nhân viên phát triển bền vững sẽ thoát khỏi các nhiệm vụ nghiên cứu và theo dõi thủ công, có thể tập trung hơn vào việc tương tác với các phòng ban liên quan và thúc đẩy những thay đổi trong hành vi.

(*) Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Kinh tế học môi trường của Đại học Dartmouth, Mỹ
(**) CEO của Nuoa.io

Bình luận

Tin mới

Du khách quốc tế tại Huế
Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của Việt Nam
Ruộng lúa tham gia đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”
Chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho năng suất tăng 1,5 tấn/hecta
du-lich-xanh-1-min
Những chú én nhỏ góp phần làm nên mùa xuân của du lịch bền vững
iện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
Meta tìm đến năng lượng hạt nhân giữa cơn sốt AI
nh: Canva
Đàm phán hiệp ước chống ô nhiễm rác nhựa của Liên hợp quốc ‘sụp đổ’
iện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
Điện hạt nhân – từ chỗ bị xa lánh đến giải pháp cho bài toán năng lượng sạch
esg
Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ lợi nhuận 10-15%
w4-min
Những điều rút ra từ COP29
1
COP29 thống nhất quy tắc giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
gettyimages-2183369699
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung