(KTSG Online) – Dạo một vòng quanh sự kiện Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2024) vừa diễn ra tại TPHCM, khách tham quan có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu mang đến giới thiệu những sản phẩm, công nghệ xanh mới nhất. Câu hỏi đặt ra là liệu còn “đất dụng võ” cho các startup Việt Nam hay không?
Tại GEFE 2024, các tập đoàn của Hà Lan đã giới thiệu các công nghệ về quản lý nước, vận tải xanh, nông nghiệp giảm phát thải, Na Uy với các giải pháp xanh, Thụy Điển với các công nghệ giảm phát thải carbon, còn Việt Nam là những sản phẩm nông nghiệp giảm phát thải, nhựa sinh học…. Thụy Sĩ với ngành nông nghiệp sản xuất theo phương giảm giảm phát thải. Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu công nghệ điện gió, mặt trời…. từ nhiều tập đoàn lớn của châu Âu.
Startup xanh phải vượt khó nhiều hơn các lĩnh vực khác
Là một người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh, từ bản thân mình, ông Đoàn Văn Tùng, Founder iGreen với sản phẩm nhựa sinh học đưa ra bốn thách thức mà mình đang đối diện và phải vượt qua. Đầu tiên là hiện đang thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xanh.
Tiếp đến là về mặt thương mại hóa sản phẩm ra thị trường, việc tìm một thị trường phù hợp cho sản phẩm xanh là khó khăn vì hiện nay người tiêu dùng hay yêu cầu giá sản phẩm xanh phải gần tương đồng với sản phẩm truyền thống hiện hữu.
Thứ ba là về tài chính, thường các công ty khởi nghiệp luôn gặp phải vấn đề về vốn, do các startup còn non trẻ nên không dễ tiếp cận được những gói vay ưu đãi. Cuối cùng những kiến thức, chuyên môn kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng đóng vai trò quan trọng giúp cho khởi nghiệp mà đôi khi một startup trong lĩnh vực công nghệ chưa hội tụ đầy đủ.
Ông Tùng cho rằng, những điểm khó nói trên đang phản ánh tình hình mà hiện na những ai khởi nghiệp liên quan đến kinh tế xanh đều có thể gặp phải.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công thương (VIOIT), hiện đang có một số khó khăn trong việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Đầu tiên là nhận thức của người dân về kinh tế xanh còn hạn chế, đòi hỏi cần tăng cường công tác truyền thông và giáo dục. Tiếp đến là nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh còn thiếu. Về chính sách, hệ thống pháp luật về kinh tế xanh còn chưa hoàn thiện và việc thực thi chính sách chưa đồng bộ.
Đây đang là những khó khăn để Việt Nam có thể phát triển sâu hơn về kinh tế xanh mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đâu là hướng ra?
Trao đổi với KTSG Online, ông Minh Giang, giám đốc chương trình Founder Institute Vietnam cho biết, hiện đang hỗ trợ các startup ở Việt Nam tiếp cận và thu hút nguồn vốn tài trợ từ các quỹ đầu tư toàn cầu, trong lĩnh vực kinh tế xanh. Các startup có thể chọn một nhánh là ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và nếu làm tốt thì các startup Việt Nam có thể gọi vốn được từ những quỹ quốc tế có liên quan.
Ông Giang cũng nhận định, hiện Việt Nam chưa mạnh về công nghệ nên chỉ có thể tập trung vào ESG, vì có nguồn nhân lực rẻ và cũng đang nổi lên là quốc gia có nhân sự chất lượng cao. Do đó, Việt Nam có thể quảng bá về các thế mạnh này để các startup các nước đến Việt Nam tìm người.
Ông Minh Giang của Founder Institute Việt Nam cũng cho rằng, thay vì khởi nghiệp từ Việt Nam, các startup trong lĩnh vực kinh tế xanh có thể hợp tác với startup các nước để cùng nhau giải quyết các vấn đề có liên quan đến kinh tế xanh – một chủ đề không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang muốn tìm cách giải quyết. Qua đó, cũng có thêm cơ hội để tham gia các vòng gọi vốn của các quỹ đầu tư quốc tế nhằm đưa sản phẩm ra thế giới.
Khi thành lập iGreen với sản phẩm nhựa sinh học ông Đoàn Văn Tùng cũng có tầm nhìn sản xuất ở Việt Nam xuất đi thế giới (from local to global). Theo đánh giá của ông Tùng, quy mô thị trường nhựa sinh học toàn cầu mà ông Tùng đang khởi nghiệp được định giá ở mức 7,41 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024 và đạt gần 57 tỉ đô la Mỹ vào năm 2032. Vì thế, tiềm năng cho sản phẩm nhựa sinh học là rất lớn nếu xét trên quy mô toàn cầu.
Theo ông Văn Tùng, để hướng đến toàn cầu thì chất lượng sản phẩm của mình sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn quốc tế và giấy chứng nhận phải được tổ chức kiểm định quốc tế thế giới cấp chứng chỉ. Hiện sản phẩm nhựa phân hủy sinh học iGreen muốn xuất khẩu đi châu Âu, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn EN 13432 được cấp bởi tổ chức kiểm định Dincertco (Đức), xuất khẩu đi thị trường Bắc Mỹ, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn ASTM D 6400 được cấp bởi tổ chức kiểm định BPI (Mỹ). Đây là những bước đệm để iGreen của ông Tùng mở cánh cửa ra thị trường thế giới.
Một góc nhìn khác là hãy cùng hợp tác thay vì tự làm. Cụ thể, khi trao đổi với báo chí trên lề sự kiện Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2024), Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tavio cho biết, những thách thức để phát triển nền kinh tế xanh, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu là câu chuyện toàn cầu mà ở đó Phần Lan, Việt Nam đang đối diện và tìm hướng giải quyết. Vì thế, startup hai nước có thể tìm hiểu, trao đổi với nhau để cùng làm theo hướng ứng dụng công nghệ, tiết kiệm năng lượng…
Có thể nói, khởi nghiệp xanh là một cơ hội lớn để các startup Việt Nam tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, để thành công, các startup cần vượt qua nhiều thách thức và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đi từ địa phương ra thế giới
Startup xanh có thể tìm vốn từ các quỹ carbon quốc tế
Trao đổi với KTSG Online, ông Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, nếu đặt câu hỏi với các công ty, cá nhân rằng, họ có những khó khăn nào khi khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo – câu trả lời đó làm ra những sản phẩm bị lỗi, đồng nghĩa với đó là thất bại trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên đó là một điều phải chấp nhận, nhưng quan trọng là người khởi nghiệp có thể học hỏi, rút ra được kinh nghiệm cho mình trong quá trình khởi nghiệp để làm cho tốt hơn. Đây là điều rất hữu ích trong đổi mới sáng tạo mà những ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này cần hiểu. Đối với lĩnh vực công nghệ, theo ông Johan Ndisi, những ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này cần phải kết nối với các trường đại học để có thể tiếp tục cải tiến sản phẩm.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng có những chính sách để hỗ trợ và chấp nhận xem thất bại của các dự án khởi nghiệp công nghệ là một phần trong chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vì có thể trong 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp chỉ có một dự án thành công.
Trả lời câu hỏi của KTSG Online về khả năng các startup trong lĩnh vực kinh tế xanh có thể gọi vốn quốc tế hay không? Đại sứ Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi cho rằng, để khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đặc biệt là các công nghệ liên quan đến kinh tế xanh cũng đòi hỏi một nguồn tài chính lớn. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này có thể tìm kiếm nguồn quỹ từ các quỹ carbon quốc tế.
Thụy Điển cũng có những quỹ đầu tư theo hình thức này mà các startup công nghệ Việt Nam có thể cân nhắc, tìm cách tiếp cận. Ngoài ra, những cá nhân nào mong muốn khởi nghiệp có thể tham gia các workshop (hội thảo, tọa đàm) do phía Thụy Điển tổ chức để biết về nhu cầu, mong muốn của các quỹ đầu tư để biết sẽ làm gì sau đó.
Theo ông Johan Ndisi, các công ty thành công, họ phải xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra thế giới. Vì thế, các công ty khởi nghiệp cần tìm được giải pháp cho các vấn đề (toàn cầu) và hiện thực hoá được các ý tưởng này, sau đó, xuất khẩu ra toàn cầu. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, giảm phát thải carbon… họ cần những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các trường đại học.
“Tôi nghĩ, các trường đại học có một vai trò quan trọng trong việc định hướng cho sinh viên những kỹ năng, cũng như hỗ trợ, tư vấn các kế hoạch phát triển sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Sinh viên cũng cần được đào tạo bài bản để chuẩn bị cho tương lai sau khi ra trường và có thể có những nền tảng vững chắc cho khởi nghiệp”, ông nói.