Zalo mini App

Tín chỉ carbon – bước hội nhập của Việt Nam

Trịnh Duy Viết

(KTSG) – Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn rất sơ khai nhưng đầy tiềm năng phát triển nếu nhìn bối cảnh chung thế giới và những cam kết của Chính phủ.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là một khái niệm khá mới mẻ và mới chỉ phổ biến ở Việt Nam trong 2-3 năm trở lại đây. Tuy nhiên đây là khái niệm đã rất quen thuộc ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu.

Tín chỉ carbon là một dạng giấy cho phép người sở hữu tín chỉ có quyền phát một lượng CO2 nhất định. Một tín chỉ cho phép sản xuất 1 tấn CO2 hoặc một lượng tương đương khí thải nhà kính. Và tất nhiên tín chỉ này có giá, một mức giá khá cao, đủ để giúp thế giới đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 – “Net Zero” theo COP28 đến năm 2050.

Tín chỉ carbon không đơn thuần là một dạng chứng chỉ để mua bán mà đó là một chứng chỉ thể hiện trách nhiệm của quốc gia và doanh nghiệp với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh các nước châu Á đang là trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới, để giảm lượng khí thải carbon thì việc phải áp dụng tín chỉ này tại các nước châu Á là việc đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Theo số liệu thống kê tại COP28, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, theo đó nhiệt độ toàn cầu nếu tăng quá mức 1,5 độ C trong năm năm tới sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu, chất lượng sống của con người. Vì vậy, tín chỉ carbon không đơn thuần là một dạng chứng chỉ để mua bán, mà đó là một chứng chỉ thể hiện trách nhiệm của quốc gia và doanh nghiệp với biến đổi khí hậu và hoàn toàn không còn là một yếu tố bị chi phối bởi lợi ích kinh tế.

Ngành nào đang tạo ra lượng carbon lớn nhất

Theo số liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, các nhà máy phát điện, đặc biệt là điện than, đang chiếm 34% lượng khí thải toàn cầu, các ngành công nghiệp chiếm 24%, các ngành nông, lâm nghiệp và sử dụng đất khác chiếm 22%, 15% lượng khí thải đến từ giao thông vận tải, còn lại 6% đền từ tiêu thụ năng lượng tại các tòa nhà.

Định giá tín chỉ carbon như thế nào?

Có nhiều bước tính toán khá phức tạp để đo lường lượng CO2 (hoặc một lượng khí thải nhà kính tương đương) được giảm đi hoặc không tăng thêm bằng một dự án hoặc một hoạt động nào đó. Điều này tùy thuộc vào phạm vi dự án (dự án năng lượng tái tạo, dự án trồng rừng hay dự án chuyển đổi năng lượng sử dụng…). Dựa trên số liệu quá khứ cụ thể và những công thức tính toán để xác định luồng khí thải trong kịch bản cơ sở. Sau đó lượng khí khải được giảm đi được tính toán bằng chênh lệch giữa lượng phát thải trong quá khứ trừ cho lượng phát thải dự báo trong tương lai, từ đó quy đổi thành tín chỉ carbon.

Thị trường tín chỉ carbon

Hiện tại các nước châu Âu đang có thị trường tín chỉ carbon lớn nhất thế giới là EU ETS. Ngoài ra, Mỹ cũng đang có RGGI là thị trường tín chỉ carbon dành cho các nhà máy điện. Giá tín chỉ carbon tại các thị trường châu Âu và Mỹ đang khá cao. Tại EU giá tín chỉ carbon vào khoảng 76 đô la Mỹ/tấn trong năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên quanh 160 đô la Mỹ/tấn vào năm sau. Ở thị trường Mỹ, giá một tín chỉ carbon vào khoảng 42 đô la Mỹ/tấn trong năm 2024 và dự kiến tăng lên khoảng 46 đô la Mỹ/tấn trong năm 2025. Việc áp dụng mức giá tín chỉ carbon chỉ 7-8 đô la Mỹ/tấn như thị trường Trung Quốc, chi phí hoạt động của nhà máy điện than công suất 100MW (hiệu suất 55%) có thể tăng thêm khoảng 90-100 tỉ đồng/năm.

Thị trường tín chỉ carbon của Trung Quốc (ETS) được thành lập năm 2021 và cũng đang trên đà trở thành thị trường tín chỉ carbon lớn của thế giới trong bối cảnh Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu trong lượng phát thải. Thị trường này hiện tại đang thu hút hơn 2.200 doanh nghiệp trong ngành điện tham gia và nhóm doanh nghiệp này chiếm tới 40% lượng khí thải carbon của Trung Quốc hàng năm. Giá một tín chỉ carbon tại Trung Quốc dao động quanh 7-8 đô la Mỹ/tấn và được dự báo tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong thời gian tới.

Đông Nam Á đang nổi lên là một trong những khu vực có mức tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường tín chỉ carbon. Dự báo thị trường tín chỉ carbon của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 10 tỉ đô la Mỹ đến năm 2030, theo Ủy ban phát triển Kinh tế Singapore. Hiện tại Singapore đang là quốc gia dẫn đầu trong xu hướng này.

Tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon đang ở trong giai đoạn rất sơ khai, khó để các doanh nghiệp chấp nhận trả một mức chi phí nhất định để mua tín chỉ carbon. Tuy vậy, Chính phủ cũng đang đặt kế hoạch đến năm 2027 sẽ thiết lập luật liên quan đến tín chỉ carbon và đưa vào vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon trong năm 2028. Cả nước có khoảng 1.912 doanh nghiệp triển khai kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải năm 2023, theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để ước tính chi phí về tín chỉ carbon, chúng ta có thể lấy ví dụ với một nhà máy điện than có công suất 100MW và hiệu suất 55%, lượng carbon thải ra ở mức công suất thực vào khoảng 480.000 tấn CO2 mỗi năm. Áp dụng mức giá tín chỉ 7-8 đô la Mỹ/tấn như với thị trường Trung Quốc thì chi phí để hoạt động của nhà máy điện than này sẽ tăng thêm khoảng 90-100 tỉ đồng/năm. Có thể thấy mức chi phí này khá cao và có thể ăn mòn phần lớn lợi nhuận của nhà máy. Vì vậy, cho tới khi tín chỉ carbon được chính thức hoạt động theo hình thức bắt buộc thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải nhanh chóng tìm các giải pháp để giảm lượng khí thải.

Về lâu dài, tín chỉ carbon sẽ là một nhân tố cần thiết để tiến tới “Net Zero” và cứu Trái đất của chúng ta khỏi hiệu ứng nhà kính và tình trạng nóng lên đang diễn ra rất nhanh như hiện tại.

Bình luận

Tin mới

Du khách quốc tế tại Huế
Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của Việt Nam
Ruộng lúa tham gia đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”
Chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho năng suất tăng 1,5 tấn/hecta
du-lich-xanh-1-min
Những chú én nhỏ góp phần làm nên mùa xuân của du lịch bền vững
iện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
Meta tìm đến năng lượng hạt nhân giữa cơn sốt AI
nh: Canva
Đàm phán hiệp ước chống ô nhiễm rác nhựa của Liên hợp quốc ‘sụp đổ’
iện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
Điện hạt nhân – từ chỗ bị xa lánh đến giải pháp cho bài toán năng lượng sạch
esg
Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ lợi nhuận 10-15%
w4-min
Những điều rút ra từ COP29
1
COP29 thống nhất quy tắc giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
gettyimages-2183369699
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung