(KTSG Online) – Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thay đổi theo xu hướng xanh có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí, chính quyền mất thêm chi phí, nhưng nếu không thay đổi cách thức sản xuất thì doanh nghiệp sẽ bị đơn độc trong quá trình mà nhân loại đang hướng tới hành tinh xanh.
- Con đường năng lượng xanh đang ngày càng chông gai và phức tạp
- Sông Sài Gòn – động lực tăng trưởng xanh, bền vững của TPHCM
Với thế mạnh có hàng loạt các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, chưa kể các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại, các tổ chức quốc tế, TPHCM phải là nơi dẫn dắt câu chuyện tăng trưởng và mới nhất đó là tăng trưởng xanh. Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TPHCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững” diễn ra sáng 16-11.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh hiện nay tâm thức tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh đã ăn sâu vào tâm trí của người tiêu dùng. Đây là xu thế không thể nào đảo ngược. Sự thay đổi có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí, chính quyền mất thêm chi phí, nhưng nếu không thay đổi cách thức sản xuất thì sẽ bị đơn độc trong quá trình mà nhân loại đang hướng tới hành tinh xanh.
“Vấn đề là chúng ta chủ động đón nhận hay thụ động đón nhận nó. Nếu chúng ta tự nghĩ rằng nó quá khó thì chúng ta mãi mãi không bao giờ làm được. Chúng ta phải thay đổi tâm thức. Tâm thức tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh đã ăn sâu vào suy nghĩ của con người và TPHCM sẽ là nơi dẫn dắt câu chuyện này”, ông Lê Minh Hoan nói.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết năm 2023, sau những biến động lớn trên phạm vi toàn thế giới, những xu hướng mới đã hình thành và phát triển nhanh chóng, trong đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược.
Đến nay, thành phố cùng 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục đối thoại về kết nối chuỗi cung ứng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Thành phố xác định mối tương quan liên kết vùng chặt chẽ giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong nhiệm vụ phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước những tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, từng địa phương, từng vùng không thể ứng phó riêng lẻ mà phải đi theo xu hướng tất yếu là liên kết vùng.
Minh chứng thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tiến hành liên kết với nhau để hình thành các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau.
Còn theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thời gian qua, ĐBSCL đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, như liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết vận tải – logistics;… tuy nhiên, chủ yếu nhất vẫn là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu.
“Thực tế, liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực thời gian qua mang lại hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm”, ông Trường nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ.Đặc biệt, vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Các kênh phân phối chưa được phát triển, rất khó tiếp cận các kênh bán lẻ…Do đó, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ông Trần Việt Cường cho rằng để nhanh chóng xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TPHCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững, Chính phủ cần sớm phê duyệt Đề án Trung tâm Liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.
Theo Đề án, Trung tâm này dự kiến xây dựng với quy mô 300 ha, được chia thành hai khu với 10 chức năng hoạt động. Đặc biệt, đề án có các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 45/NQ-QH được áp dụng hai hình thức ưu đãi đầu tư nổi bật về thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất.
“Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thứ 2, miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo”, ông Trường chia sẻ và kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.