Zalo mini App

Vốn xanh bắt đầu tăng tốc

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) – Dư nợ tín dụng xanh ở thị trường Việt Nam đang tăng tốc dù vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Trong đó, các định chế tài chính nước ngoài có vẻ nổi trội hơn người chơi nội địa, nhưng cơ hội phía trước vẫn còn lớn.

Ngân hàng đua kiếm người vay

Khi mục tiêu Net – Zero được xác định đi cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động kinh tế giúp trung hòa carbon, các định chế tài chính trong và ngoài nước cũng đang tăng tốc tìm người vay để giải ngân.

Chẳng hạn như hồi cuối tháng 5, Tập đoàn Gemadept, hoạt động trong lĩnh vực Logistics và cảng biển, cùng với HSBC Việt Nam công bố khoản tín dụng liên kết bền vững. Với HSBC, đây cũng là khoản tín dụng bền vững đầu tiên trong lĩnh vực khai thác cảng và Logistics.

Tương tự, hồi tháng 4, Ngân hàng UOB Việt Nam công bố khoản tín dụng ngắn hạn dành cho Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex), giúp công ty nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận Organic, bao gồm chứng chỉ Fairtrade. Chứng chỉ này đảm bảo doanh nghiệp sản xuất đạt nhiều tiêu chí liên quan đến trách nhiệm xã hội, môi trường và kinh tế.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ký biên bản ghi nhớ (MOU) với TGS Trà Vinh Green Hydrogen Corporation (TGS), thành viên của tập đoàn Green Solutions, giữ vai trò cố vấn tài chính cho việc phát triển và vận hành dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh công suất 260MW tại tỉnh Trà Vinh, là dự án nhà máy hydro xanh đầu tiên của Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là hoạt động cụ thể hóa những bản MOU đã ký với Chính phủ Việt Nam tại sự kiện COP28 diễn ra vào cuối năm 2023, cũng như khoản ghi nhớ tài trợ trị giá gần 3 tỉ đô la Mỹ cho 5 doanh nghiệp nội địa liên quan đến lĩnh vực hạ tầng, chuyển dịch năng lượng, nông nghiệp và thực phẩm.

Trong khi dòng vốn ngoại tiếp tục tìm kiếm những “ứng viên” phù hợp, các ngân hàng nội địa cũng đang tăng tốc cho mục tiêu phát triển bền vững, bằng cách huy động vốn nhằm đẩy mạnh tài trợ các khoản vay xanh.

Chẳng hạn như ngân hàng SEABank công bố khoản đầu tư của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) trị giá 75 triệu đô la Mỹ vào trái phiếu xanh do ngân hàng này phát hành. Mục tiêu là tài trợ cho các hoạt động kinh tế bền vững gắn liền với biển và nước, các tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo hay hiệu quả năng lượng. Trước đó, ngân hàng này cũng công bố nhận khoản vốn từ Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) mua trái phiếu cho mục đích tương tự.

Năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục cho vay xanh. Ảnh minh họa: DNCC.

Tương tự, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho biết khoản tài trợ từ IFC sau thỏa thuận công bố hợp tác hồi tháng 4, dự kiến sẽ giải ngân vào quí 4 năm nay. Kế hoạch là dành khoảng 60% cho các dự án giúp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu theo định nghĩa của IFC, số còn lại danh cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc doanh nghiệp nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Ở lĩnh vực trái phiếu xanh, một dấu mốc tích cực khác là việc Ngân hàng BIDV phát hành thành công 2.500 tỉ đồng trái phiếu xanh theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước vào cuối năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận đợt phát hành trái phiếu theo chuẩn quốc tế được công nhận.

Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếusẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phù hợp với Khung Trái phiếu xanh mà ngân hàng nằm trong nhóm dẫn đầu dư nợ cho vay xanh công bố trước đó.

Còn nhiều cơ hội

Nhìn chung, các định chế ngoại dường như năng động hơn so với các định chế nội với nhiều cam kết quan trọng từ cấp độ chính phủ. Như UOB Việt Nam đã từng cấp tín dụng cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh, tính đến hết quí 4-2023.

Tương tự, HSBC cũng sở hữu danh mục tài trợ xanh khá đa dạng và nhiều lĩnh vực, sau cam kết huy động 12 tỉ đô la Mỹ cho Việt Nam dưới hình thức trực tiếp và gián tiếp vào năm 2022. Một giao dịch điển hình có thể kể đến như khoản vay hợp vốn xanh có thời hạn trị giá 500 triệu đô la Mỹ cho VinGroup và các công ty con, trong đó có Vinfast.

Các tổ chức tín dụng nội địa cũng đã bắt đầu đưa vào ngân sách nhất định cho tín dụng xanh. Ảnh minh hoạ: DNCC

Bên cạnh những hỗ trợ ở cấp độ chính phủ, về mặt sản phẩm, HSBC có hai sản phẩm chính là khoản vay xanh (green loan), khoản vay xã hội (social loan). Bên cạnh tài trợ doanh nghiệp, ngân hàng này còn đưa ra giải pháp khách hàng cá nhân vay lắp đặt điện mặt trời mái nhà hay mua nhà ở những dự án được chứng nhận là tòa nhà xanh với lãi suất ưu đãi.

“Ngân hàng như HSBC có thể hiện thực hóa tham vọng cân bằng phát thải theo hai hướng. Quan trọng nhất là hỗ trợ khách hàng chuyển dịch – đây là tác động lớn nhất chúng tôi có thể tạo ra. Thứ hai, chúng tôi mong muốn đưa vốn đến nơi cần. Nghĩa là chúng tôi đồng hành cùng các chính phủ, các tổ chức nhân đạo và xã hội để tạo ra thay đổi mang tính hệ thống”, ông Tim Evans phát biểu tại một sự kiện phát triển bền vững tổ chức đầu tháng 8 mới đây.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Lãnh đạo Dịch vụ ESG, Phó Tổng giám đốc, Dịch vụ Kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam, lợi thế của các định chế nước ngoài là mức độ trưởng thành của thị trường mẹ trong xu hướng phát triển bền vững. Với những quy chuẩn có sẵn nên tăng tốc nhanh là câu chuyện tự nhiên. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận các tổ chức tín dụng nội địa cũng đã bắt đầu đưa vào ngân sách nhất định cho tín dụng xanh.

Số liệu của ngân hàng nhà nước cho thấy tính đến 31-3, dư nợ tín dụng xanh đạt 627.533 tỉ đồng, tăng 1,06% so với cuối năm 2023. Con số này cao hơn đáng kể so với cùng kỳ là 0,78%.

Trong đó, với tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ, các hoạt động tài trợ xanh nội địa tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (45% tổng dư nợ tín dụng xanh) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Dư nợ xanh vẫn chiếm một phần khiêm tốn, nhưng một con số khác cho thấy góc nhìn từ phía nhà băng cũng đang dần thay đổi. Theo đó, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm tỷ trọng đến 21% tổng dư nợ, tăng hơn 20% so với năm 2023.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, một thực tế là ngoài nguồn vốn nhận uỷ thác từ các quỹ tài chính quốc tế (như ADB, IFC, JICA, JBIC…) phải tuân theo yêu cầu rõ ràng, các tổ chức trong nước lại chưa thiết kế sản phẩm tín dụng xanh đặc thù, mà chủ yếu chỉ căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và ngành nghề theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để phân loại tín dụng xanh.

Ở góc nhìn tích cực, cơ hội thị trường vẫn còn lớn khi mọi thứ đang ở giai đoạn khởi động. “Tín hiệu tích cực là thị trường bắt đầu triển khai những chương trình tín dụng xanh, nhưng mức độ chưa lớn và toàn diện vì còn nhiều hạn chế. Trở ngại của thị trường Việt Nam là Chính phủ chưa ban hành chuẩn xanh, nhưng trong vòng 5 năm tới sẽ có những cú hích và thay đổi lớn”, ông Nam đánh giá.

Giải pháp nào đẩy nhanh xanh hóa sản xuất, tăng tốc Net Zero?

Cuộc đua chuyển đổi xanh, hướng tới Net Zero đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cam kết của Chính phủ cùng trách nhiệm và áp lực của doanh nghiệp, buộc phải chuyển đổi sang mô hình kinh doanh, sản xuất xanh nhằm đáp ứng với yêu cầu của thị trường.

Ngày 19-9 tới, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn sẽ tổ chức sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”, nằm trong chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên của nhóm báo.

Sự kiện sẽ quy tụ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý cùng bàn luận các giải pháp đẩy nhanh tiến trình Net Zero, góp phần đem lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ cô Thu Trà qua số điện thoại: 0932 571 301 hoặc email: thutra@thesaigontimes.vn.

Bình luận

Tin mới

Du khách quốc tế tại Huế
Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của Việt Nam
Ruộng lúa tham gia đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”
Chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho năng suất tăng 1,5 tấn/hecta
du-lich-xanh-1-min
Những chú én nhỏ góp phần làm nên mùa xuân của du lịch bền vững
iện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
Meta tìm đến năng lượng hạt nhân giữa cơn sốt AI
nh: Canva
Đàm phán hiệp ước chống ô nhiễm rác nhựa của Liên hợp quốc ‘sụp đổ’
iện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
Điện hạt nhân – từ chỗ bị xa lánh đến giải pháp cho bài toán năng lượng sạch
esg
Thực hành ESG giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ lợi nhuận 10-15%
w4-min
Những điều rút ra từ COP29
1
COP29 thống nhất quy tắc giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
gettyimages-2183369699
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung