(KTSG Online) – Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng và thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm khuyến khích đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo.
- Bộ TN&MT triển khai kế hoạch thực hiện công tác quản lý tín chỉ carbon
- Làm nông nghiệp phát thải thấp, nông dân chờ tiếp cận với tín chỉ carbon
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tiến hành thảo luận sâu rộng về dự án Luật Điện lực sửa đổi dựa trên tờ trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, TTXVN đưa tin.
Theo đó, Luật Điện lực đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi có nhiều quy định nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong thời kỳ mới.
Cụ thể, chương I của dự thảo luật đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho việc phát triển điện lực, bao gồm các chính sách về cơ chế giá điện, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và phát triển điện hạt nhân an toàn.
Chương II sẽ tập trung vào việc hoàn thiện quy hoạch điện lực, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả đầu tư, đồng thời quy định rõ ràng về các thủ tục đấu thầu và quản lý dự án. Các chương còn lại đề cập đến việc phát triển năng lượng tái tạo, cấp phép hoạt động điện lực, thị trường điện cạnh tranh và vận hành hệ thống điện.
Trong tờ trình, Bộ Công Thương cho biết dự án luật sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho ngành điện lực, với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động điện lực.
Bên cạnh đó, dự thảo luật sẽ xây dựng một thị trường điện cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả, quy định rõ ràng về cơ chế mua bán điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống điện.
Dự thảo luật đã tiến hành rà soát và sửa đổi 62 điều, bổ sung thêm 68 điều mới, tập trung vào các nội dung như quy hoạch phát triển điện lực, cơ chế đấu thầu để tạo ra một khung pháp lý toàn diện và hiện đại cho ngành điện lực.