(KTSG Online) – Việt Nam đang đẩy mạnh hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó có việc xây dựng, phát triển thị trường carbon và quản lý tín chỉ carbon.
- Điện gió ở Bạc Liêu bán gần 1 triệu tín chỉ carbon, thu gần 1,8 triệu euro
- Lúa phát thải thấp: Chưa ‘định hình’ đầu ra nhưng tầm nhìn đúng cho dài hạn
Để đạt mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện về tăng cường công tác quản lý, phát triển thị trường carbon và nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm phát thải, nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), TTXVN đưa tin.
Theo đó, Bộ TN&MT sẽ sửa đổi nghị định số 06/2022, tập trung vào quản lý và giao dịch tín chỉ carbon, bao gồm lập kế hoạch giảm thải và hệ thống đăng ký.
Cơ quan này sẽ chủ động đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế, tập trung vào lĩnh vực quản lý chất thải, thực hiện cam kết giảm thải và khai thác tối đa tiềm năng của thị trường carbon.
Bộ TN&MT cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền về giảm thải, NDC, hướng dẫn người dân tham gia vào thị trường này.
Bộ sẽ xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế quản lý tín chỉ carbon rừng và hỗ trợ nông dân trồng lúa chất lượng cao, góp phần giảm phát thải và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, nhà chức trách cũng phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện đề án phát triển thị trường carbon, trình phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ giao Cục Biến đổi khí hậu hoàn thiện nghị định và kế hoạch giảm phát thải, nghiên cứu phát triển thị trường, xây dựng hệ thống đăng ký, quản lý các hoạt động về tín chỉ carbon, thúc đẩy thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, thị trường carbon sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, từ nay đến năm 2029, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một thị trường carbon hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.