(KTSG) – Thời gian qua, một số địa phương muốn thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng nhưng chưa thể triển khai do thiếu quy định và hướng dẫn chi tiết.
- Điện gió ở Bạc Liêu bán gần 1 triệu tín chỉ carbon, thu gần 1,8 triệu euro
- Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nếu không đáp ứng tiêu chuẩn ESG
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sơn La có 676.890 héc ta rừng, trong đó rừng tự nhiên 593.269 héc ta và rừng trồng 83.621 héc ta, đạt tỷ lệ che phủ 47,5%. Với hiện trạng rừng như vậy, Sơn La có tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao. Từ vài năm trước, tỉnh này đã rục rịch xây dựng đề án liên quan đến tín chỉ carbon rừng.
Cho tới tháng 8-2023, Công ty cổ phần Quỹ Môi trường Việt Nam chính thức đề xuất với chính quyền tỉnh Sơn La xây dựng Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng, nhằm tạo nguồn tài chính xã hội hóa cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững 155.000 héc ta rừng đặc dụng, phòng hộ ở các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Thuận Châu.
Mục tiêu cụ thể là xây dựng 2,1 triệu tín chỉ carbon được xác minh và phát hành; trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt 600.000 tín chỉ, giai đoạn 2026-2030 đạt 1,5 triệu tín chỉ. Tuy nhiên, việc kinh doanh tín chỉ carbon của Sơn La vẫn đang ở khâu nghiên cứu, xin ý kiến, xây dựng phương án triển khai do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về vấn đề này.
Không chỉ Sơn La, thời gian qua, một số tỉnh như Quảng Nam, Lào Cai, Thanh Hóa cũng đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng, song cũng chưa thể thực hiện do thiếu quy định pháp luật và các hướng dẫn chi tiết.
Trên thực tế, chính sách và quy định pháp lý đã hình thành trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhưng mới ở mức độ sơ khai.
Theo Cục Lâm nghiệp, việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phát thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo hạn ngạch được phân bổ.
Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện vẫn thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai dịch vụ carbon rừng, bao gồm: quyền sở hữu carbon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng carbon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ carbon rừng. “Rừng thuộc sở hữu của Nhà nước, vậy carbon có thuộc sở hữu của Nhà nước hay không? Vừa qua, sau khi sáu tỉnh Bắc Trung bộ bán tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Thế giới, tiền được tính cho bà con, nhưng điều này lại không phù hợp với quy định rừng của Nhà nước”, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu trong tọa đàm “Triển vọng phát triển tài chính xanh” diễn ra mới đây.
Bên cạnh đó, theo Cục Lâm nghiệp, việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phát thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo hạn ngạch được phân bổ.
Để triển khai NDC, Chính phủ đã giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030, trong đó, ngành nông nghiệp được giao giảm phát thải 129,8 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu là 39,31 triệu tấn CO2tđ đến năm 2025 và 79,1 triệu tấn CO2tđ đến năm 2030. Tuy nhiên, hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện NDC và tiềm năng tín chỉ carbon rừng có thể thương mại của từng địa phương hiện chưa được xác định, phân bổ.
Một khó khăn nữa là thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ carbon rừng còn nhiều hạn chế, như: thế nào là tín chỉ carbon rừng, phương thức tạo tín chỉ, phương pháp tính toán tín chỉ cũng như hướng dẫn về thẩm định, xác minh, cấp tín chỉ… Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước cũng chưa được xây dựng.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ triển khai một chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ carbon rừng. Đó là Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) ký kết tháng 10-2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới 10,3 triệu tấn CO2 (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), đơn giá là 5 đô la Mỹ/tấn CO2, tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu đô la Mỹ, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào NDC của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký tháng 10-2021 với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp, cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF). Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent sẽ được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, giai đoạn 2014-2018, lượng giảm phát thải từ rừng đạt khoảng 56,7 triệu tấn (trong đó lượng giảm phát thải là 20,3 triệu tấn và lượng tăng hấp thụ là 36,4 triệu tấn). Vì vậy, lĩnh vực lâm nghiệp có tiềm năng và đang từng bước chủ động hoàn thiện các điều kiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết để tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết NDC.
Để biến tiềm năng đó thành hiện thực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tiến hành đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050. Đồng thời, phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hàng năm giai đoạn 2021-2030 để thực hiện mục tiêu NDC.
Cùng với đó, phải xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ carbon rừng; tăng cường năng lực cho các bên liên quan về phương thức tạo và trao đổi, thương mại tín chỉ carbon rừng…
Nếu không sớm hoàn thành cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể, kiếm tiền từ tín chỉ carbon sẽ tiếp tục là việc khó!